Cao ban long hay bạch giao, lộc giác giao được chế biến từ sừng già (gạc hay lộc giác) của con hươu hoặc con nai. Có khi phối hợp cả sừng hươu, sừng nai để được sản phẩm cao gọi là “mê lộc đồng công”.
Cách chế biến cụ thể như sau:
Trước hết, phải chọn sừng có phân nhánh thành chạc đều, đối xứng. Thân sừng có gốc to, bè ra như cái đĩa, lên trên thuôn nhỏ dần, có những đường khía dọc và nhiều mụn nhỏ lấm tấm, nhẵn bóng, màu nâu vàng, đầu nhánh màu nhạt hơn. Sừng rụng hằng năm hoặc sừng của hươu, nai săn bắn đều dùng được. Sừng của con vật còn sống tốt hơn vì còn dính liền với xương đầu (nhung liên tảng). Sừng rụng còn đế tốt hơn sừng không còn đế.
Đem sừng luộc bằng nước phèn 1% trong 10-15 phút hoặc ngâm sừng vào nước ấm để một đêm cho lớp ngoài sừng mềm ra. Có người còn xếp sừng đứng để đế sừng không chạm vào nước. Lấy ra, cạo hoặc đánh rửa bằng bàn chải tre hoặc sắt cho sạch hết lớp đen vàng bám bên ngoài sừng đến khi sừng trắng ra. Cưa sừng thành từng khúc dài 5-6cm, rồi chẻ thành những bản mỏng, cạo sạch tủy, súc qua với nước lã, phơi thật khô. Xếp sừng vào thùng nhôm, ở giữa đặt một rọ tre để múc dịch chiết ra. Đổ nước cho ngập dược liệu chừng 10cm. Đun sôi liên tục trong 24 giờ, nếu cạn nước thì thêm nước sôi vào, luôn giữ cho nước ngập sừng. Nếu có bọt nổi trên mặt thì vớt bỏ bọt. Rút nước chiết lần thứ nhất, đem cô riêng. Tiếp tục thêm nước sôi và đun sôi 24 giờ nữa. Rút nước chiết lần thứ hai, cô riêng. Tiếp tục làm lần thứ ba. Gộp 3 nước chiết lại, đánh đều, cô tiếp đến khi được cao đặc. Chú ý khi cô, phải để nhỏ lửa và khuấy luôn tay để cao khỏi cháy khê. Có nơi, người ta cô cao cách cát bằng cách đặt trên bếp lửa một miếng tôn to rồi đổ lên mặt tôn một lớp cát dày khoảng 5cm, đặt chảo lên cát. Đun đều lửa.
Khi cao đã được, đổ vào khay đã bôi dầu lạc hoặc mỡ lợn để khỏi dính. Để nguội, cắt thành bánh 50 hay 100g, gói giấy bóng hoặc giấy polyethylen, rồi bảo quản ở chỗ kín, khô và mát.
Sản phẩm Cao ban long Siberia TW3 có màu nâu đến nâu sẫm. Trên mặt có những nếp nhăn to nhỏ không đều, có nhiều bọt hơi khi cắt, có thể có những vết lõm, sờ không dính tay. Thành phần chủ yếu của cao là keratin, trong đó có các acid amin như cytein, lencin, tyrosin, acid glutamic, arginin, alanin, lysin…, rất ít muối canxi.
Cao ban long có vị ngọt, mặn, tính ấm, vào hai kinh can và thận, không độc, có tác dụng bổ trung, ích khí, cường tinh, hoạt huyết, cầm máu, mạnh gân xương. Dược phẩm vậng yếu (Hải Thượng Lãn Ông) đã ghi: “Cao hươu nai, có tên gọi là bạch giao, bổ trung ích khí, uống lâu nhẹ mình, tăng tuổi thọ, thêm tủy, nhiều thịt, tươi mặt, mập khỏe, chủ yếu dùng trị nội thương nhọc mệt, eo lưng đau, gầy còm, phụ nữ huyết bế, không có con, yên thai khỏi đau, thổ huyết, băng huyết, chân tay đau nhức, ra nhiều mồ hôi, ngã gãy tổn thương. Phàm chứng thũng độc đã vỡ hoặc chưa vỡ, lấy một miếng bạch giao thấm nước dán vào, trên đầu để lỗ hổng thì mủ ra ngay, không có mủ thịt mụn tiêu. Thực sự là vị thuốc rất quý”.
Liều dùng hằng ngày: 5-10g, có thể đến 20g, cắt thành từng miếng mỏng, ngậm dần cho tan trong miệng, ăn với cháo nóng, hấp cách thủy với mật ong hoặc cho vào ít rượu, hâm nóng mà uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Thuốc bổ dùng cho người cao tuổi đang trong thể trạng suy yếu: Cao ban long và long nhãn, mỗi thứ 50g. Long nhãn cắt nhỏ, sắc với nước rồi cho cao ban long đã thái mỏng vào. Đun tiếp và khuấy đều cho tan cao. Để nguội, uống mỗi lần 10g vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. (Cao “nhị long ẩm”, thuốc bổ cổ điển của Hải Thượng Lãn Ông).
Thuốc cho người lao lực, mệt mỏi, mới ốm khỏi, ra mồ hôi trộm, phụ nữ sau khi đẻ: Cao ban long 0,02g, cao ngũ gia bì chân chim 0,05g, mật ong 0,02g, triphosphat calci 0,07g, cho một viên. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-4 viên đối với người lớn; 2-3 viên cho trẻ em tùy tuổi (viên tăng lực của xí nghiệp dược phẩm).
Chữa nôn ra máu, thổ huyết, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt nhiều: Cao ban long 4g, bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến) 5g, cam thảo 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
(TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích)
Tags: bổ dương, bổ thận, cầm máu, cao ban long, cao ban long siberia, tráng dương